Những điều cần biết về máy lạnh
Những điều cần biết về máy lạnh
SGTT.VN - Cứ đến mùa khô, máy lạnh lại bán được hàng. Người nhiều tiền mua máy lạnh đắt tiền. Còn người ít tiền mua máy lạnh công suất thấp hoặc là máy đã qua sử dụng. Nhưng dù chọn máy cũ hay mới cũng cần biết vài điều cơ bản để sử dụng được tối ưu và tiết kiệm chi phí.
Trung bình, cứ 1m2 phòng cần năng suất lạnh khoảng 500BTU/h. Ví dụ phòng 20m2 thì năng suất lạnh yêu cầu khoảng 12.000BTU. Cụ thể, đối với các hộ gia đình nhỏ, có thể dùng loại hai cục (spilit type) hoặc một cục tùy theo cấu trúc nhà. Phòng có diện tích từ 9 đến 15m2 có thể gắn máy công suất 9.000 BTU/h (một ngựa), từ 15 đến 20m2 gắn máy 12.000 BTU/h (1,5 ngựa), từ 20 đến 30m2 gắn máy 18.000 BTU/h (hai ngựa)…
Khi mua máy nên chọn công suất dư ra một ít, số tiền đầu tư ban đầu có thể nhiều hơn chọn máy đúng công suất nhưng được lợi là máy mạnh, thời gian đạt độ lạnh nhanh hơn và khi máy đạt đủ độ lạnh thì sẽ tự ngưng hoạt động. Với loại máy dư công suất so với nhu cầu thì máy sẽ có nhiều thời gian “nghỉ”, giúp cho độ bền của máy được kéo dài.
Đừng lo lắng khi sử dụng máy thừa công suất. Trong trường hợp dùng cho một căn phòng có diện tích bằng nhau, loại máy công suất lớn lại ít hao điện hơn vì khi phòng đạt độ lạnh theo yêu cầu sẽ tự ngắt. Trong khi đó, máy có công suất vừa đủ hoặc thiếu sẽ chạy liên tục, như vậy sẽ phải tiêu thụ điện năng liên tục và có thể tiêu tốn nhiều điện hơn. Càng không nên chọn máy lạnh thiếu công suất so với thể tích và nhu cầu sử dụng, vì nhiệt độ không đủ lạnh sẽ buộc máy phải làm việc liên tục, dẫn tới hao điện, nóng máy và độ bền của máy giảm nhanh.
Việc lựa chọn công suất máy lạnh, ngoài diện tích, còn phụ thuộc vào số lượng người thường xuyên có trong phòng (vì thân nhiệt người sẽ làm giảm độ lạnh), độ cách nhiệt của phòng, thiết bị tỏa nhiệt trong phòng như đèn, quạt, máy tính, tivi... Đây là những yếu tố có thể làm giảm độ lạnh của phòng. Cụ thể, sẽ lựa chọn công suất trung bình cần thiết cho 1m2 (theo công năng sử dụng) như sau: phòng ngủ chỉ cần 550 – 700 BTU/m2, phòng khách cần khoảng 700 – 900 BTU/m2, phòng họp cần 900 – 1200 BU/m2, nhà hàng cần 700 – 1000 BTU/m2, phòng karaoke cần 700 – 1200 BTU/m2, …
Hiện trên thị trường có hai dạng máy lạnh: có biến tần (inverter) và không có biến tần (non-inverter). Các dòng máy lạnh có sử dụng bộ biến tần sẽ tiết kiệm điện năng từ 20 – 40% so với máy lạnh không có biến tần. Mặc dù khi mua các máy lạnh có sử dụng bộ biến tần thường đắt hơn máy lạnh không có bộ biến tần, tuy nhiên về lâu dài lại tiết kiệm hơn vì tiền điện ít hơn. Hiện nay, máy lạnh của các thương hiệu lớn thường tích hợp bộ biến tần.
Nên để máy lạnh ở nhiệt độ vừa phải (khoảng 22 – 27oC) sẽ tiết kiệm điện năng và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người. Dàn nóng bên ngoài càng thông thoáng, không bị “ứ gió” càng tiết kiệm điện. Độ cao giữa dàn lạnh và dàn nóng cần bố trí hợp lý, để giảm điện năng tiêu hao khi truyền tải nhiệt.
Khi tắt máy lạnh nên tắt cả nguồn, chứ không nên chỉ tắt bằng điều khiển từ xa, vì như thế máy lạnh vẫn tiêu thụ một lượng điện năng tuy không nhiều nhưng cũng đáng kể (khoảng 10W). Nên sử dụng thêm quạt máy vừa làm thoáng phòng vừa làm nhiệt độ trong phòng đều hơn.
Một hiện tượng thường gặp khi sử dụng máy lạnh là không khí trong phòng bị ủ độc, làm nhiều người khi mới bước vào phòng thường bị hắt hơi, sổ mũi. Nguyên nhân là do khi máy không hoạt động, độ ẩm trong phòng tăng lên khiến các vi khuẩn, nấm phát triển.
Phòng có lắp máy lạnh phải luôn được giữ khô ráo để các loại vi khuẩn, vi nấm không có điều kiện phát triển. Khi máy không hoạt động, căn phòng cần thoáng. Thường xuyên hút bụi, làm vệ sinh phòng sạch sẽ, lau rửa tường và trần nhà.
Phòng để lắp máy lạnh phải được thiết kế sao cho có sự trao đổi không khí với bên ngoài một cách tối đa. Các thiết bị trong phòng lạnh có thải ra chất hữu cơ như máy photocopy, fax, in laser… phải được đặt ở nơi thông thoáng và bảo dưỡng thường xuyên.
Do khả năng tiêu thụ và tải dòng điện của máy lạnh là rất cao nên đòi hỏi điểm tiếp xúc điện phải tốt, không được lỏng lẻo, nên xài CB riêng cho máy lạnh hoặc phích cắm loại lớn.
Nếu có thể, cứ một tháng nên vệ sinh phin lọc không khí một lần. Nếu thời gian dài (từ vài tuần trở lên) máy không hoạt động, trước khi sử dụng, nên chạy quạt khoảng nửa ngày để làm khô toàn bộ dàn bên trong. Bình quân một năm nên rửa dàn trao đổi nhiệt một lần, nếu có hiện tượng mất gas, tiếng ồn, nước chảy ra nhà... không nên tự sửa máy, mà cần thợ có tay nghề đến sửa nhằm đảm bảo an toàn cho người cũng như thiết bị. Nếu có chút “tay nghề”, người sử dụng cũng có thể tự làm một số thao tác bảo dưỡng cơ bản như: tháo vỏ ngoài của máy, lấy khăn mỏng lau các bộ phận làm lạnh, thiết bị sấy, cánh quạt, motor điện, dùng máy hút bụi hút hết bụi trong máy. Chú ý: khi lau không va chạm làm ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử và tấm tản nhiệt. Nếu máy sử dụng liên tục nhớ nhỏ dầu khoảng 2 – 3 lần/năm vào quạt gió và motor điện.
Sau khi tắt máy (hoặc mất điện) phải đợi khoảng 2 – 3 phút sau mới được mở máy để máy lấy lại sự thăng bằng áp lực. Phải chú ý đến những âm thanh lạ phát ra từ máy lạnh như tiếng va đập lạch cạch, tiếng kêu của động cơ hoặc vỏ máy rung động… phải lập tức ngừng máy để tìm nguyên nhân.
Nhiều chung cư, cao ốc… vừa xây trong vài năm gần đây sử dụng hệ thống làm lạnh trung tâm. Hệ thống này xử lý lạnh ở trung tâm chính, sau đó khí lạnh được dẫn theo các ống đến các căn hộ, căn phòng. Hệ thống máy lạnh trung tâm thường dành cho các tòa nhà lớn, khách sạn, nhà hàng… giúp cho người quản lý tòa nhà dễ dàng trong công tác thiết kế, xử lý cũng như mang tính đồng nhất cho hệ thống điện của công trình. Khi sử dụng hệ thống này, dễ dàng tìm ra nguyên nhân khi gặp sự cố, dễ bảo trì cũng như bảo dưỡng cho hệ thống, an toàn điện cho từng phòng. Ngoài ra, hệ thống lạnh trung tâm sẽ đảm bảo tính mỹ quan cho cao ốc đó.
Nhược điểm của hệ thống máy lạnh trung tâm là toàn bộ các căn hộ, căn phòng sẽ chịu ảnh hưởng từ hệ thống làm lạnh trung tâm khi hệ thống gặp sự cố kỹ thuật.